Chill Yacht chia sẻ lại bài đăng của Đặng Bảo Hiếu – Chủ tịch Ana Marina Nha Trang được tiếp sau bài viết ngày xưa là:
Câu chuyện khởi nguồn của Ana Marina Nha Trang và tên gọi Ana
Bài viết cũ từ tháng 12/2019 bất chợt hiện lại trên dòng thời gian. Thú thật, tôi đã quên mất mình từng viết những dòng ấy. Nhưng giờ đây nhớ lại những biến cố dồn dập đã khiến tôi thức tỉnh: tôi không chỉ đang xây một bến du thuyền – mà còn đang viết nên câu chuyện của một thương hiệu.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2011, khi tôi khởi xướng dự án Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang. Khi đó, “marina” còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam, và việc triển khai dự án trên vịnh Nha Trang – một danh thắng cấp quốc gia – là vô cùng gian nan. Tôi nhớ đã trả 3.500 USD để mua lại tên miền anamarina.com từ Sedo, mà không hề biết rằng tên thương hiệu ấy sẽ đưa tôi vào một hành trình dài đằng đẵng về sau.
Từ 2012 đến 2014, tôi mày mò đúc những khối pontoon nổi nhờ tư vấn và giám sát của một kỹ sư và hai công nhân đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến năm 2015, khi gặp được các chuyên gia từ Camper & Nicholsons – công ty thiết kế marina hàng đầu của Anh quốc – tôi mới có đủ cơ sở và tự tin để bước vào “con đường mười năm” khắc nghiệt ấy. Nếu khi ấy biết trước những gì phải trải qua, có lẽ tôi đã không chọn trở thành người Việt đầu tiên xây dựng một marina đúng nghĩa.
Tuy nhiên, điều tôi không lường được là: thương hiệu Ana Marina – tên tôi đã dùng ngay từ những ngày đầu, thực chất đã được đăng ký từ năm 2005 bởi một công ty ở TP.HCM – công ty PTG.
Tôi không muốn từ bỏ cái tên ấy. Ana là biểu tượng của Thiên Y Thánh Mẫu – vị thần bảo hộ đất Nha Trang Kauthara. Cái tên này mang hồn cốt của dự án – Bến Mẹ. Tôi bắt đầu thương lượng với PTG để mua lại thương hiệu. Nhưng quá trình kéo dài nhiều năm, và đến năm 2019 vẫn chưa có kết quả do bất đồng về giá cả. Rồi đại dịch ập đến, mọi thứ tạm ngưng.
Tháng 5/2022, sau những bất đồng trong nội bộ và bộ máy quản lý, tôi quyết định trực tiếp giữ vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ana Marina. Giữa lúc công ty đang đối diện với khủng hoảng tài chính, nợ nần, nhân sự và định hướng phát triển, đúng lúc đó, một đoàn thanh tra từ Bộ Khoa học & Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ bất ngờ xuất hiện – theo đơn kiện của PTG, tố cáo Ana Marina vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tôi hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để giành lấy quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu đã gắn bó suốt hơn một thập kỷ. Trong hai buổi làm việc với đoàn thanh tra, tôi trình bày toàn bộ hành trình – không chỉ bằng lý lẽ pháp lý, mà bằng cả câu chuyện, tâm huyết và tình cảm. Câu chuyện đã lay động trưởng đoàn – anh Đoàn Duy Hiệp, người sau đó tự nguyện đứng ra làm trung gian cho cuộc đàm phán cuối cùng giữa tôi và PTG.
Hai tháng sau, PTG đưa ra mức giá. Tuy nhiên, một số cổ đông của Ana Marina không đồng thuận mua lại thương hiệu với chi phí cao. Để tránh xung đột nội bộ, tôi quyết định dùng công ty mẹ – Focus Travel Group – đứng ra mua lại và nắm giữ thương hiệu Ana Marina.
Quyền sở hữu thương hiệu đã giúp tôi tháo gỡ hàng loạt rào cản pháp lý còn tồn đọng. Ngày 26/12/2022, Ana Marina được cấp phép khai thác thử nghiệm. Hai năm sau, đúng ngày 26/12/2024, cảng du thuyền Ana Marina Nha Trang chính thức được Cục Hàng hải – Bộ GTVT cấp phép hoạt động. Tháng 3/2025, Cục Hải quan cấp mã cảng quốc tế: VNANA.
Những cột mốc ấy đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của du lịch siêu du thuyền tại Việt Nam. Nha Trang – Khánh Hòa giờ đây chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch siêu sang toàn cầu. Và Ana Marina, thương hiệu tưởng chừng chỉ là cái tên thuở ban đầu, đã trở thành niềm tự hào mang tầm vóc quốc tế – được nhắc đến ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Tôi biết ơn công ty PTG đã đồng ý chuyển nhượng thương hiệu – dù với cái giá không hề rẻ. Tôi cảm ơn anh Đoàn Duy Hiệp vì vai trò trung gian đầy thấu cảm. Tôi cũng biết ơn những cán bộ tận tụy tại Cục Hàng hải, những người đã cấp giấy “khai sinh” cho một giấc mơ.
Thương hiệu, rốt cuộc, không phải là một cái tên. Nó là linh hồn của cả một hành trình.